Trang Chủ   Vn+ TiVi   Fanpage Twitter  Fanpage FaceBook
Loading
                                         

Bản Tin Câu Lạc Bộ Pa Tin Im-Pod                                                                          
Diễn đàn Vn+
Tiêu Điểm

Tình Yêu - Giới Tính

1001 Bí Ẩn

Tổng hợp phần mềm

Ebook

Thủ Thuật IT

Thủ Thuật Blog

Video Clip

Lạ & Fun


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Văn nghị luận AN TOÀN GIAO THÔNG Empty Văn nghị luận AN TOÀN GIAO THÔNG Wed Sep 28, 2011 8:13 pm

Trunks-Kun

Trunks-Kun
Administrator
Administrator
BÀI 1

Hiện nay an toàn giao thông đang là một trong những vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Những khẩu ngữ như: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”… được giăng lên ở khắp các nẻo đường. Nó như một lời nhắc nhở cũng là lời cảnh báo những người đang tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình.

Thế nhưng số vụ tai nạn giao thông hằng năm vẫn không hề suy giảm, ngược lại còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm Việt Nam có tới gần một ngàn vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn kém: uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu … Một mặt, đó là do chất lượng đường sá kém, nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan xây dựng: ăn hối lộ, rút ruột công trình … Mặt khác, chúng ta phải lên án những kẻ chỉ vì lợi ích cá nhân mà không màng đến sự an toàn, tính mạng của người đi đường, họ vẫn thản nhiên rải đinh xuống lòng đường để thu lợi trên những đồng tiền kiếm được từ việc vá xe, thay lốp. Họ không hiểu hết được sự nguy hiểm của việc làm đó, bị thủng săm đột ngột khi đang chạy với tốc độ cao, người đang tham gia giao thông sẽ bị văng ra khỏi xe và nguy cơ tử vong là rất lớn.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu”, cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, @, FX500 phi như bay trên những con đường lớn, ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt. Tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gãy tay gãy chân, nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Nguyên nhân cũng là do họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi, cái hại của việc mình đã làm.


Thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-24 chiếm gần 20% dân số Việt Nam nhưng chiếm tới gần 40% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Cộng với đó là quản lý hành lang an toàn giao thông chưa chặt chẽ: hệ thống biển báo còn thiếu, phân luồng giao thông chưa hợp lý, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt chưa nghiêm minh, thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực trong xử lý …

Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về Luật Giao thông. Vì vậy để học sinh, sinh viên có thêm hiểu biết về luật giao thông, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng … trên toàn quốc phát động và thực hiện tháng “An toàn giao thông”.

Tháng an toàn giao thông năm nay có chủ đề: “Thanh, thiếu niên trường học nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông”. Đây có thể xem là điểm đột phá, bởi nếu tuổi trẻ học đường, bao gồm cả học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức về Luật Giao thông, có sự chuyển biến về nhận thức, tuân thủ các quy định của pháp luật thì sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành giao thông của cả xã hội. Giảm thiểu tai nạn giao thông là việc khó, nhưng không phải không làm được nếu cả xã hội cùng nỗ lực, chọn đúng điểm đột phá, có biện pháp đúng trong tổ chức và kiên trì trong thực hiện. Hưởng ứng tháng an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội song cần hướng mạnh vào lớp trẻ, trong đó bộ phận quan trọng là tuổi trẻ học đường. Cần làm cho đối tượng này tự giác thực hiện các quy định về an toàn giao thông một cách liên tục, bảo đảm tính bền vững lâu dài, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông.

Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu và sáng tạo hơn, chủ động và tích cực hơn để giáo dục lớp trẻ ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Trách nhiệm này thuộc về nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Đối với nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông là rất cần thiết. Ngoài ra cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.

Các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái, không mua xe gắn máy cho con hoặc không cho phép con đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Nhà nước cũng cần quy định biện pháp xử lý nghiêm minh với các bậc cha mẹ không quan tâm hoặc dung túng cho con em vi phạm. Cơ quan, đơn vị công tác cũng cần có hình thức xử lý thoả đáng đối với các bậc cha mẹ là đảng viên, cán bộ, công chức dung túng hoặc tiếp tay cho con cái vi phạm giao thông như: không nâng bậc lương, không xét thi đua, không bổ vào chức vụ lãnh đạo cao hơn ...

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng. Chỉ khi nào các hành vi vi phạm bị xử lý công bằng và nghiêm minh thì người dân mới tuân thủ các quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm an toàn giao thông của học sinh, sinh viên phải được thông báo tới nhà trường - nơi đang học tập hoặc địa phương - nơi đang cư trú để có những hình thức răn đe, xử phạt kịp thời.

Theo thống kê, những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông – những trụ cột của gia đình và học sinh, sinh viên – những người con thân yêu của cha mẹ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu. Những đứa con nghẹn ngào vì từ đây chúng sẽ không còn được ở trong vòng tay âu yếm vỗ về của cha, không còn được cha bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Các bậc cha mẹ phải quặn lòng tiễn con đi trong nước mắt … Tất cả những điều đáng tiếc kia sẽ chẳng thể xảy ra nếu như mỗi chúng ta biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai


BÀI 2:

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông.Trên thực tế tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào.Mỗi ngày trôi qua có hơn ba mươi người chết và bị thương. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên chúng ta.Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mọi người.Trung bình làm chết trên dưới 1 triệu người và bị thương hàng chục triệu người mỗi năm.Chỉ tính riêng trong năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông lại tăng thêm 10% con số này ở các nước nghèo và đang phát triển cao hơn tỉ lệ ở các nước công nghiệp phát triển. Phổ biến nhất hiện nay ở phần lớn các quốc gia là tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong hàng đầu cho xã hội. Loại tai nạn này thường xảy ra đối với ô tô và xe gắn máy khi đi trên các tuyến đường bộ hay các tuyến đường chuyên dùng cho người đi bộ. Ngoài ra còn có các loại tai nạn giao thông khác như tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thuỷ, tai nạn giao thông đường hàng không...

Vậy tai nạn giao thông được hiểu trên những phương diện như thế nào cho đúng? Tai nạn giao thông đã có từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thật chính xác có thể lột tả hết những đặc tính của nó. Trên hình thức nó được biểu hiện bằng những hành vi cụ thể, gây ra những thiệt hại nhất định về tính mạng, sức khỏe cho con người, vật và tài sản...Chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông cụ thể phải là đối tượng đang tham gia vào hoạt động giao thông. Còn xét về lỗi, chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc là không có lỗi, không thể là lỗi cố ý. Tai nạn giao thông không chỉ gây đau thương cho mọi gia đình mà còn liên luỵ đến bao nhiêu người vô tội khác. Lỗi chung lớn nhất là do ý thức người dân còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác, chưa có ý thức bảo vệ tài sản của cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Gần 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện gây ra. Có tránh được tai nạn giao thông hay không là do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao Thông của người lái xe. Các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua đều xuất phát từ hành vi coi thường pháp luật của lái xe và chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Theo thống kê những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, xã hội còn mất đi những bàn tay lao động, những con người đang từng ngày ra sức xây dựng tổ quốc và thật xót xa khi đất nước lại còn bị mất đi những người công dân ưu tú, những nhân tài và cả những mầm non tương lai nữa.Hậu quả của tai nạn giao thông để lại thật khủng khiếp làm sao!

Hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông. Tính riêng trong năm 2006 đã có 12.600 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ mà trong đó có hơn 20% là do học sinh, sinh viên gây ra. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp, trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là đi xe máy. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên cũng hết sức đa dạng: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ….Một số học sinh, sinh viên còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, đi xe mô tô, xe đạp một bánh, quẹt chân chống xuống nền đường nhựa, đùa nghịch gây rối trật tự trên phố...Khi tan trường, học sinh “túm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng,... đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Sẽ không thể nào kể hết được các lỗi mà các em đã gây ra.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những người chủ tương lai đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, @, Dylan… phi như bay trên những con đường lớn ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt. Những tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gẫy tay gẫy chân... Nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Lý do vì đâu cũng là ở nhận thức của thanh niên. Họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi hại của việc mình đã làm. Những bậc cha mẹ khi con mình xảy ra tai nạn, khi nhận ra thì đã quá muộn. Tại sao họ sắm cho con những chiếc xe thật tốt, phân khối thật lớn để chúng đi đua. Họ làm ra nhiều tiền rồi cũng nhận ra khi mất đứa con thì tiền bạc cũng chẳng giải quyết được gì. Họ hối hận vì tại sao ngay từ đầu không bảo ban con cái mình thì bây giờ đã muộn có tốn bao nhiêu nước mắt thì mọi chuyện gạo cũng đã chín thành cơm.

Một số địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả . Do mải làm ăn, buôn bán, các bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng cho con khi mua xe mô tô cho con hoặc cho con đi xe máy đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe. Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em mà phải kể đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội. Khi bề trên quản giáo không nghiêm thì con trẻ dễ làm điều không đúng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có tiếng nói chung trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh, sinh viên. Như trong năm vừa rồi ,cái chết thương tâm của hai bạn nữ sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ khi đang đạp xe trên đường đi học về gây bức xúc trong giới học đường khiến cho gia đình các bạn cũng đau lòng. Đùa giỡn trên xe để không làm chủ tay lái và rồi ngã vào xe tải đang lưu thông cùng chiều.Các bạn ấy mới 16 tuổi thôi, còn qúa trẻ để làm nhiều việc có ích cho xã hội.

Gần đây việc giáo dục ý thức công dân và giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng không thực sự được quan tâm như trước. Kết quả thi cử của các em đã đè nặng lên vai những người làm thầy, làm cô khiến họ không còn quan tâm nhiều đến những môn không phải thi tốt nghiệp hoặc thi đại học. Mô hình giáo dục cân bằng không còn nữa, “trí dục” đã chiếm ưu thế trước “đức dục” trong các chương trình giảng dạy. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế và hệ giá trị, “người Thầy” cũng không còn cái uy với học sinh như xưa và một bộ phận không nhỏ học sinh bỏ qua những lời răn dạy đạo đức của thầy, cô cũng là điều dễ hiểu.Các cơ quan nhà nước cũng không quan tâm đúng mức tới giao thông học đường. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt. Ở phạm vi toàn xã hội, việc người lớn không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ đã trở thành tấm gương xấu cho bọn trẻ làm theo. Không ít các trường hợp, người lớn còn kích động, cổ vũ cho những hành vi sai trái của các em như tập trung xem và hò hét khi các em đua xe trái phép.Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

Muốn chấn chỉnh giao thông học đường , phải cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,... mà phải bằng hành động cụ thể.Chẳng hạn như phát động tháng “An toàn giao thông”, thực hiện phải kết hơp với lực lượng cảnh sát giao thông giám sát theo dõi tình hình giao thông, xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng bổ ích. Lực lượng học sinh, sinh viên tình nguyện đứng ra điều khiển giao thông cũng là một biện pháp hữu ích.Gần đây việc tất cả công dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một biện pháp thiết thực giúp bảo vệ an toàn cho mọi người.Cần phải phát huy những mặt tích cực để tai nạn giao thông ngày một giảm theo chiều hướng nhanh nhất.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Trên đường quốc lộ, đường lớn vẫn còn những kẻ rải đinh xuống lòng đường để thu lợi bởi những đồng tiền kiếm được từ vá xe, thay lốp. Họ không hiểu hết được sự nguy hiểm của việc làm đó, với tốc độ cao như vậy những người tham gia giao thông khi bị thủng săm đột ngột sẽ bị văng người ra khỏi xe và nguy cơ tử vong là rất lớn. Bên cạnh đó là chất lượng đường sá kém là nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan chính quyền. Mỗi năm, nhà nước đã bỏ ra hàng tỉ đồng để nâng cấp các cơ sở giao thông, đường sá cầu cống phục vụ cho việc đi lại an toàn ở mọi nơi. Nhưng số tiền đó lại không được dùng hết, vậy thì nó rơi vào đâu? Phải chăng, số tiền đó đã rơi vào túi những kẻ rút lõi công trình, rút lõi vật tư để làm giàu cho mình. Đó là những kẻ vô lương tâm vì lợi ích bản thân mà quên đi sự an toàn chung cho xã hội. Cho đến thời điểm này, chưa có thống kê nào về trình độ học vấn của các lái xe, nhưng có thể nói, không thiếu lái xe khách liên tỉnh hiện nay có trình độ thấp, nhận thức về pháp luật bị hạn chế, có máu bốc đồng, coi thường tính mạng của hành khách đi xe, phóng xe như điên trên đường, nhất là khi phát hiện có vài chiếc xe chạy cùng tuyến thì cuộc đua càng thêm phần quyết liệt để tranh giành khách. Điều này lý giải tại sao tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra thường rơi vào các xe khách và vào các dịp lễ, tết. Bức tranh về tình trạng an toàn giao thông đầu năm 2008 quá nhiều gam tối mà ở đó không chỉ có ý thức của người tham gia giao thông kém, mà còn do chính những "tệ nạn" trong lực lượng bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Tất cả điều đó bắt nguồn từ một điều hết sức căn cơ đó là văn hóa. Mà điều đó chúng ta khó có thể một sớm một chiều tạo ra được. Bác Hồ đã nói : " Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người". Trồng văn hóa cũng như trồng người vậy.

Tổ chức Y Tế Thế giới đã nói rằng: “ Tai nạn giao thông đã trở thành một đại dịch của nhân loại” thế nên xã hội cần có những biện pháp hữu dụng để ngăn chặn và kìm hãm sự phát triển của nó.Là học sinh em sẽ cố gắng học tập thật tốt, luôn phấn đấu học hỏi tìm hiểu kiến thức về Luật Giao Thông để góp phần bảo vệ tài sản chung của gia đình và xã hội. Bản thân em sẽ luôn tuân thủ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để làm gương cho các em của mình và không làm phụ lòng thầy cô ba mẹ đã quan tâm lo lắng cho em trên suốt con đường đời. Để xứng đáng là một công dân của đất nước Việt Nam , để xứng đáng là cháu Bác Hồ kính yêu.

BÀI 3:

Ông bà ta thường nói : " Con hư tại mẹ , cháu hư tại bà " . Khi các bậc cha mẹ quản giáo con cái không nghiêm khắc thì chúng dễ làm điều không đúng . Gia đình , nhà trường và xã hội cần lên tiếng nói chung cho việc giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông đối với tuổi học trò . Đất nước ta đang trên đà phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao , Và thế hệ trẻ là niềm hy vọng , là thế mạnh để phát triển đất nước , bên cạnh đó thế hệ trẻ cũng góp phần không ít vào việc xây dựng đất nước văn minh lành mạnh và an toàn . Trong nhiều năm trở lại đây , vấn đề tai nạn giao thông đang là một điểm nóng thu hút sự quan tâm , lo ngại của dư luận bới do mức độ thiệt hại về tài sản lẫn sinh mạng mà vấn đề này gây ra quá lớn. Vậy tuổi trẻ học đường có những suy nghĩ và hành động nhý thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông .

Khi tan trường, học sinh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng,... là chuyện rất bình thường . Một số thống kê các tai nạn giao thông cho thấy , hơn 20% tai nạn giao thông là do học sinh, sinh viên vi phạm. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên cũng hết sức đa dạng: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đi dàn hàng ngang trên phố gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ. Một số học sinh, sinh viên còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi xe mô tô, xe đạp một bánh, quẹt chân chống xuống nền đường nhựa, đùa nghịch gây rối trật tự trên phố...
Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên đã không còn là chuyện về ý thức trách nhiệm và đạo đức nơi bản thân học sinh, sinh viên. Vậy trách nhiệm giáo dục là do ai?

Trước những hậu quả của tai nạn giao thông, một số địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả. Vậy thì do đâu không có được sự phối hợp này? Lỗi là do ai?
Theo tình hình hiện nay , với một đời sống cao và nhu cầu vật chất lên rất cao như thế này thì không thể không tránh khỏi việc học sinh , sinh viên chạy đua theo nhu cầu vật chất tiền bạc . Các bậc phụ huynh Việt Nam vốn quen yêu thưong , chiều chuộng con mình một cách quá đáng. Không chỉ như vậy , có một số phụ huynh làm ngơ với những sai trái của con em hoặc gián tiếp tiếp tay cho con trẻ trong việc giáo dục chúng chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông . Tình trạng tai nạn ngày một gia tăng còn do sự ý thức chưa cao của học sinh, sinh viên . Giới trẻ chỉ đua theo những thứ vật chất xa hoa như : xe đẹp mắc tiền, di dộng , ăn chơi ... Do đó việc thích ứng và quan hệ bạn bè cũng là nguyên nhân chính cho những tai nạn đáng tiếc xảy ra . " Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò " , không học sinh nào không có những trò ranh ma , trêu chọc hay khẳng định bản lĩnh của mình . Vấn đề ở đây là những trò chơi ấy không còn trong sáng, ngây thơ dễ thương mà quái ăm . Sự thiếu ý thức của các em trước hết là do lỗi của cha mẹ . Họ mải mê lo làm ăn , buôn bán , không dành nhiều thời gian cho các em, không quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật . Họ nghĩ chỉ cần cho các em ăn học vui chơi , không thua kém các bạn cùng lứa là đủ . Nhưng trên thực tế , đã có rất nhiều trường hợp các em học sinh vì sự qua loa của cha mẹ mà vướng vào các tệ nạn xã hội , vào những cuộc ăn chơi mà với lứa tuổi các em là không cần thiết . Các em rất cần sự quan tâm , chia sẻ của cha mẹ. Những cử chỉ ân cần của mẹ , những lời động viên của cha ... là điều mà tất cả các em mong muốn. Không chỉ như vậy, còn có nhiều phụ huynh chiều chuộng con , dung tùng con mình khi các em đòi xe môtô hoặc xe máy phân khối lớn đến trường khi chưa có bằng giấy phép lái xe. Các bậc phụ huynh nhiều lúc quá tin tưởng con mình , không chú tâm đến các hoạt động vui chơi ; khi cho con mua xe với lý do đi đến trường hay học thêm v. v. .. vậy thì có một phụ huynh nào nghĩ con mình có thể sẽ dùng xe để đua , để so tài với các bạn hay không? Những cuộc đua sinh ra rất rất nhiều các " anh hùng xa lộ " hay " công tử tốc độ " v.v.v .. vậy thì đã có bao nhiêu tình mạng tài sản con ngưòi bị chà đạp , mất đi oan uỗng vì những danh hiệu đó . Bên cạnh đó , còn có các cuộc ẩu đả xảy ra liên tiếp khi cãi vã lẫn nhau . Điều đó , ảnh hưởng đến ai ? Đến chính bản thân chúng . Vậy có đáng để những chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra hay không? Câu hỏi này chắc chính các bạn : học sinh, sinh viên đều biết rõ nhưng vẫn làm : " Biết trước hậu quả mà vẫn đâm đầu vào đó " , là do chúng ta : những học sinh, sinh viên quá xem thường mạng sống người khác cũng như vô trách nhiệm với chính mạng sống của mình.
Một người công dân có bản lĩnh, có ý thức, có lý tưởng đẹp là một thành quả dài của quá trình dạy dỗ giáo dục tri thức từ nhà trường : môi trường giáo dục tốt nhất . Với xu thế đất nước đi lên phát triển quá nhanh , việc đào tạo một đội ngũ học sinh , sinh viên có tri thức cao là điều vô cùng cần thiết . Ngày xưa , học sinh đến trường với những lòng kính trọng, yêu mến thấy cô : " Một chữ cũng là thấy, nữa chữ cũng là thầy " , " Muốn qua thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phãi yêu lấy thầy " ... thì giờ đây không còn được như xưa nữa. Các phụ huynh quá đặt nặng vần đề : Con mình phải giỏi , phải đứng nhất .. hay là phải đậu cao v.v.v.. đòi hỏi các thầy các cô phải dốc hết sức mình để truyền đạt tri thức cho các em . Các em đến trướng học rất nhiếu môn như : Văn, Toán , Anh , ... vậy có phụ huynh nào thắc mắc con em mình phải học mấy môn không ? Tổng cộng là mười ba môn , với số lượng môn học và bài học nhiều đến như vậy thì một ngày hay một tuần đi học thầy cô có thời gian truyền đạt kịp không? Vậy thì thời gian đâu mà giáo dục ý thức công dân , giáo dục đạo đức cho các em . Không những thế , có nhiều phụ huynh vì thương con , xót con mà không chịu cho nhà trường giáo dục con mình . Họ còn lên tiếng phê phán, bình phẩm các thầy các cô ... Làm vậy có quá đáng không ? Trên đời này , không có thầy nào cô nào mà ghét học trò mình cả . Nhưng do thế hệ trẻ hiện nay quá được cưng chiều nên cái " uy "của thấy cô không còn mạnh mẽ như trước nữa . Và vì thế , một bộ phận nhỏ học sinh , sinh viên bỏ qua lời dạy thấy cô cũng là một điều dễ hiểu.

Ngoài ra , nguyên nhân tai nạn giao thông ngày một gia tăng là do các cơ quan nhà nứơc cũng không quan tâm một cách đúng mức với giao thông học đường . Các điều luật áp dụng đối với hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe. Một phần thiểu số các cán bộ thi hành pháp luật không nghiêm, không công bằng khi xử lý các vi phạm pháp luật, các hình thức xử phạt, làm cho việc giáo dục giới trẻ chấp hành luật không được ráo riết và chặt chẽ. Bên cạnh , đó ta cần phải nhắc đến : Cơ Sở Hạ Tầng của nước ta . Những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giao thông như : đường , cầu , ...đều có những ảnh hưởng nhất định tới việc có xảy ra tai nạn giao thông hay không? .Những điều kiện của đường như :lưu lượng, độ bằng phẳng và độ nhám của mặt đường, tầm nhìn và độ chiếu sáng trên đường và sự bố trí của các biển báo hiệu cũng ảnh hưởng đến việc xảy ra tai nạn giao thông . Cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, không đồng bộ chính là một trong những nguyên nhân làm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông .Điều này được thể hiện rõ nét ở các quốc gia kém phát triển và đang phát triển . Xét về mặt phương tiện giao thông cũng góp phần khiến các tai nạn giao thông ngày tăng cao. Từ năm 2000 đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông. Từ những chiếc ô tô, gắn máy... đầu tiên được xuất xưởng, ngày nay có hàng tỷ phương tiện giao thông các loại, từ những chiếc xe đạp, xe gắn máy, hay ô tô cho tới những chiếc máy bay tối tân... Tăng trưởng mạnh nhất là sự xuất hiện của các phương tiện giao thông đường bộ : xe máy , ô tô, .... Trên đà phát triển của thế hệ linh kiện điện tử , máy móc tối tân , hàng loạt các hãng hiệu xe máy, ô tô đủ mọi chủng loại được xuất xưởng . Đi kèm theo những sự gia tăng quá nhanh đó là sự lỗi thời, lạc hậu , những hạn chế của các loại xe. Bên cạnh những chiếc xe hiện đại, đảm bảo được những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn được bán với giá rất cao , thì những chiếc xe không đảm bảo chất lượng lưu thông được bán với giá khá rẻ hay những chiếc xe tự tạo , xe cũ tái chế ... thì việc gây ra nguy hiểm cho người sự dụng là điều không thể không nghĩ tới.

Các nguyên nhân làm tăng các tai nạn giao thông đã quá nhiều , vậy mà các hậu quã của chúng thì nhiều vô kể . không có một từ , một ngữ , một câu nào diễn tả được sự thiệt hại khủng khiếp của tai nạn giao thông.
Từ khi Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ được ban hành, nhìn chung việc chấp hành luật lệ giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy đã dần trở thành thói quen, là nét đẹp văn hóa. Rõ ràng nhận thức của nhiều người dân đã thay đổi, tự giác đội mũ là để đảm bảo an toàn cho chính mình. Và chính thức chấp hành vào ngày 15/9/2007 : tất cả mọi công dân khi điều khiển các loại phương tiện lưu thông giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm , ngay cả người ngồi trên xe máy đều phải đội mũ bảo hiểm . Đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm . Thì số vụ các tai nạn giao thông tren địa bàn TPHCM giảm đáng kể . Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra :Trong vòng 5 tháng đầu năm 2008 , tại TPHCM có 427 vụ tai nạn giao thông đường bộ , khiến 378 người chết và 151 người bị thương , giảm tương đối là khoảng 18% - 19% các trường hợp tai nạn giao thông .Con số có giãm đáng kể khi luật đội mũ bão hiễm ban hành nhưng vẫn còn khá cao . Nếu xét trung bình là 1 năm số lượng các vụ tai nạn giao thông giảm 6% - 7% , các trường hợp nạn nhân tử vong cũng như chấn thương sọ nảo giảm đáng kể , nhưng các vụ tai nạn nhỏ do va quẹt, lấn đường , lấn tuyến , chạy quá tốc độ ... vẫn còn nhiều . Vậy thì ý thức của công dân chưa được cao trong vấn đề đẳm bảo luật giao thông đường bộ
Đất nước ta là một nước đang phát triển , nên giới trẻ vẫn là một nguồn nhân lực dồi dào nhất . Nhưng nếu chúng ta , những thanh nhiên , không ý thức được sự quan trọng này mà cứ vô ý thức , quá vô tâm đến luật giao thông thì nguồn nhân lực tri thức cao này sẽ giảm đi rất nhanh chóng. Đối chiếu với các số liệu người chết, người bị thương nhiều như thế mà vẫn không thức tỉnh được công dân , không làm giới trẻ chú ý hơn trong việc lưu thông giao thông thì khá khó hiểu . Phải chăng , do giời trẻ bây giờ quá hờ hững , quá vô tâm hay sao? Thống kê từ các Bệnh Viện trên địa bàn TP , Bệnh Viện Chợ Rẫy , Chấn Thương Chỉnh Hình , ...hằng đêm có hàng trăm lần cấp cứu cho các trường hợp tai nạn giao thông lớn, bé . Thật lương tâm của mọi người để ở đâu ? Sao không nhận thức kỹ, suy nghĩ kỹ hơn trong khi tham gia lưu thông . Tất cả mọi người ai mà không có gia đình , bạn bè , ... vậy mà chỉ do một lúc sơ ý , một lúc nông nỗi , ... mà phải nhận lấy sự đáng tiếc từ các tai nạn thì có đáng hay không ? Biết bao nhiêu gia đình phải đau khổ , đớn đau vì mất người thân thương . Con mất cha mất mẹ , mẹ cha xa con mình , anh xa em, em xa chị .... những đau thương này , những giọt nước mắt này tại sao phải rơi chứ ? Những bệnh nhân cấp cứu nằm chực chờ cái chêt trong các bệnh viện , những nạn nhân bị tai nạn dẫn đến chấn thương nặng : liệt toàn thân , người thực vật , hay mất đi một phần cơ thể ... là không đáng xót xa hay sao? Những người cha người mẹ trên đường đi làm lại bị tai nạn , những đứa trẻ bé xíu ngây thơ phải nằm trên giường bệnh người đầy dây , ống truyền .... là không đau lòng hay sao.. ? Tất cà đều rất đau lòng nhưng làm sao mà biết trước được kia chứ . Ai mà biết được kết quả khi trên đường hàng vạn hàng ngàn người lưu thông . Tuổi trẻ chúng ta được tiếp thu nền kiến thức mới , tri thức cao mà lại là phần tử gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất . Những trò chơi đùa cợt ranh ma : lạch lách , đánh võng , chạy một bánh .... đã khiến cho rất rất nhiều gia đình tang tóc , mà vồn dĩ các nạn nhân đó không đáng bị như thế . Chì vì một phút nông nỗi , một chút hưng phấn là tuổi trẻ tham gia ngay vào các trò chơi số mạng , xem thường mạng mình cũng như chà đạp , đánh đổ sinh mạng người khác . Vốn dĩ còn nằm trong lòng ba mẹ thì biết gì là chuyện đời chứ ? Các " cậu ầm , cô chiêu " đòi bố mẹ mua xe rồi đem xe đi làm những trò vô bổ : họ có thể thản nhiên uống rượu say trong khi lái xe , kéo băng kéo đàn mà đua tốc độ trên các tuyến đường cao tốc , họ kè nhau mà thực hiện những màn " ảo thuật " như : chạy 1 bánh , để chân lên xe , hay nằm mà điều khiển xe ...và rồi hậu quả của chúng là : bị thương , chấn thương hay nặng nhất là tử vong . Họ là những người dân sống hiền lành, lương thiện , họ yêu thương gia đình mình , con cái mình bằng cả tất cả tấm lòng ... họ tốt như thế có đáng phải chết hay không? Những cô cậu giàu sang vi phạm luật giao thông ,gây ra tai nạn ... hiển nhiên đến nỗi xem đó là " vận xui " . Trên đời này nhiều xui đến thế sao ? " Vận Xui " có thể có một nhưng không thể có hằng trăm hằng ngàn " Vận xui " như thế. Tuổi trẻ hiện nay ỷ y vào bố mẹ , xem thường pháp luật ... họ nghĩ " Có tiền mua tiên cũng được " . Khi tai nạn xảy ra , họ sẳn sàng vung tiền ra để gọi là : " Xin lỗi " . Mạng sống có thể dùng tiền bạc để mua bán , trao đổi . Nước mắt của người thân nạn nhân , nỗi đau thương của các bà mẹ , bà vợ , sự đau lòng , đau đớn của các đứa con ... của các nạn nhân có thể dùng tiền để chối bõ , xua tan ư? Tác hại của các tai nạn giao thông quá lớn , có hơn hàng tỷ đồng được sử dụng trong việc đền bù thiệt hại , sử chữa lại phương tiện hay là cơ sở hạ tầng .. Việt Nam là một nước công nghiệp , phần lờn người dân lao động là công nhân , có phải nên sử dụng tiền bạc vào xây dựng các cơ quan xí nghiệp , các trung tâm văn hóa , các nhà máy lớn ...vậy mà nhà nước ta hàng năm phải tồn quá nhiều tiền cho các tai nạn giao thông . Vậy , vô ý thức , vô kỷ luật trong việc tham gia giao thông không chỉ làm tổn hại bản thân ,tổn hại người khác , mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước .
Trên thực tế , không phải chỉ các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông mới phải làm người ta đau xót . Mà ngay cả những người gây ra tai nạn cũng không ngoại lệ . Các phụ huynh yêu thương , chiều chuộng con , dung túng con làm sai làm quấy ... vậy họ cũng là người lãnh cái hậu quả họ gieo . " Nhân quả báo ứng " , " Gieo nhân nào gặt quả nấy " ... chúng ta coi thường mạng người khác thì người khác cũng xem thường mạng mình . Khi những " anh hùng " chạy với tốc độ cực cao , những " ảo thuật gia " làm trò thì " vận xui " không chỉ đến với những người khác mà chính bản thân chúng ta sẽ nhận lãnh hậu quả . Khi lưu thông như thế thì chấn thương của bản thân người vi pham luật là nặng nhất , dễ dẫn đến tử vong nhất . Là con phải trả hiếu cho ba mẹ là chuyện đương nhiên , là con được ba mẹ cưng chiều là phước, các " cô cậu " chưa trả hiếu cho bố mẹ mình thì đã bắt những người sinh thành , người thương mình nhất phải rơi những giọt nước mắt ân hận , sai lầm khi dung túng cho con . Không nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của ba mẹ khóc thương con , tre già phải khóc măng non cả . Nhiều gia đình , nhiều phụ huynh còn chết đứng người khi biết con mình không lành lặn như xưa hay phải sống nửa đời còn lại trên giường bệnh . Các " anh hùng " , nhà " ảo thuật " giờ đây mới thấy xót thương , mới thấy ân hận là đã quá muộn . Sống lành lặn không muốn , tổn hại thân thể người khác , để rồi giờ đây chịu cảnh đau lòng . Dư luận xót thương cho các nạn nhân chứ không xót thương cho những ai như vậy . Nhưng dư luận sẽ tội nghệp cho họ, các học sinh , sinh viên , chỉ vì bốc đồng ham chơi , đua đòi mà đánh mất tương lai . Và cũng xót xa cho những phụ huynh vì yêu con quá đáng mà hại cả cuộc đời con mình .
Bên cạnh đó , còn phải nói đến những hậu quả to lớn do các nhà thầu thi công công trình quá cẩu thả, rút ruột công trình làm cho các con đường thiếu chất lượng , không đảm bảo nhu cầu giao thông của người dân . Các nhà máy sản xuất phương tiên lưu thông không đảm bảo chất lượng thành phẩm xe như : đèn , kèn , thắng ... Chúng ra cũng cần xét đến sự lơ là của các cán bộ giao thông : không tuần tra chặt chẽ gắt gao trên các tuyến đường , xứ lý vi phạm không nghiêm , thiếu tính công bằng ... Đây cũng là tiêu cực của của các tai nạn giao thông . Chính nó làm cho người dân tái phạm liên tục sau những lần vi phạm nhất là giới trẻ . Người ta nói : " Hành động của người lớn chính là tấm gương cho giới trẻ noi theo " , nếu các công dân nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng không chấp hành đúng luật , thường xuyên vi phạm , gây tai nạn thì sẽ làm cho con em mình noi theo , làm sai theo , ý thức sai về luật pháp ả

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

Nhận thấy được hậu quả và tác hại của tai nạn giao thông , nhà nước ta đã có nhiều chính sách cũng như biện pháp khống chế tình hình tai nạn giao thông ngày một tăng trên địa bàn thành phố .
Từ năm 2001 , UNICEF đã giúp đỡ chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu số thanh thiếu niên chết do các tai nạn thương tích , đặc biệt là tai nạn giao thông . Vì đây là một trong các nguyên nhân gây tử vong khá cao.

Ở cấp quốc gia UNICEF cùng với Bộ Y tế, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã triển khai các hoạt động nhằm tăng nhận thức về phòng tránh tai nạn và an toàn giao thông. Áp phích, tờ rơi về an toàn giao thông và sử dụng mũ bảo hiểm đã được phân phát rộng rãi trên toàn quốc trong thời gian qua .UNICEF cũng vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông và tăng cường nghiêm chỉnh chấp hành luật. UNICEF cũng thúc đẩy sử dụng mũ bảo hiểm đặc biệt mũ bảo hiểm cho trẻ, và các hành vi lái xe an toàn trong thanh niên. Những hành động nguy hiểm thường gặp của thanh niên như lạng lách, đua xe máy là nguồn gốc của nhiều tại nan giao thông
Và tại các Quận , Huyện , và các địa phương cũng có nhiều biện pháp góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông :
Đặt biển báo giới hạn tốc độ, làm gờ giảm tốc, đèn hiệu giao thông, vạch dành cho người đi bộ ở khu vực có đông dân cư .
Thực hiện chương trình giáo dục phòng chống tai nạn giao thông trong trường học , giúp các học sinh , sinh viên có kiến thức tốt về kỹ năng lưu thông giao thông để tránh các tai nạn đáng tiếc khi đi bộ hay khi sử dụng xe đạp, xe máy.
Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên.
Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương , đi sâu vào từng phường , từng tổ ân phố , từng hộ gia đình nhất là các giai đình có con em là học sinh , sinh viên .
Tại các trường học , thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền hay xây dựng các buổi hoạt động vui chơi tìm hiểu về luật giao thông và phòng tránh tai nạn giao thông .
Các hộ gia đình , nhất là các phụ huynh lo lắng , quan tâm con em mình nhiều hơn . Cần chú ý đến các hoạt động vui chơi giải trí, quan hệ bạn bè của con em mình . Cần sáng suốt khi con em mình đòi hỏi những việc quá đáng : không mua xe cho con khi chưa đủ 18 tuổi và không được phép sự dụng xe 150 phân khối khi chưa có phép lái xe ...
Tổ chức các cuộc hội thảo cho các cấp lãnh đạo xã về việc thi hành pháp luật bao gồm luật an toàn giao thông.
Nhà nước cần gắt gao hơn trong việc xử lý vi phạm luật giao thông , ráo riết hơn trong việc phân bố các cốt giao thông
Nâng cao ý thức của học sinh , sinh viên trong việc quý trọng sinh mạng mình cũng như người khác . Xây dựng lòng nhân ái , yêu thương con người trong mỗi học sinh , sinh viên.

Tuổi trẻ chúng ta mầm sống của đất nước , là nguồn nhân lực dồi dào phát triển đất nước . Muốn có ý thức cao trong mọi việc đời sống xã hội nói chung và luật giao thông nói riêng điều cần thiết đầu tiên là nâng cao dân trí . VN là 1 nước đang phát triển , giới trẻ cần tiếp thu nhiều văn minh mới của thế giới . Các cách quản lý người dân , bắt người dân chấp hành luật lệ 1 cách nhanh chóng và kỷ luật , cơ sở hạ tầng ... của các nước tiên tiến trên thế giới là một bài học , một kiến thức mới giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng 1 đất nước văn minh giàu đẹp và an toàn . Các bạn trẻ hãy ý thức rằng : " Tử thần không ở đâu xa , mà ở cạnh bên bạn trên từng cây số " Hãy quý trọng mạng sống bản thân cũng như tôn trọng sinh mạng người khác .

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 

Legend :  [ Vn-plus Founder ] [ Administrator ] [ Super Moderator ] [ Moderator ] [ Member ] [ VIP member ] [ banned ]



Free Auto Backlink Exchange ServiceFree Backlink Exchange For SeoVietnam BacklinksTravel BacklinksFree BacklinksText Backlink ExchangesText Back Link ExchangeFlorists LinksOverShopping Link ExchangeFree Automatic LinkWeb Link Exchange - Linkcsere

    Diễn Đàn Vn-Plus.Org | Thống kê | Liên hệ | Báo cáo lạm dụng  | Bạn muốn quảng cáo | Lên Đầu Trang

    Powered by: PHPBB2. Copyright © 2011  Diễn Đàn Mở VN+
    Contact: Vn-plus Founder . Yahoo: Nobita_xuka_ccy. Địa chỉ: Từ Tây - Yên Phú - Yên Mỹ - Hưng Yên
    BQT không chịu trách nhiệm bất cứ nội dung nào của thành viên đăng tải

Liên Kết Vớivn+

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất